Thông tin mới nhất
Kỹ Năng Phòng Chống Thiên Tai,Hưởng Ứng Tuần Lễ Quốc Gia Phòng Chống Thiên Tại 2022
  • Kỹ Năng Phòng Chống Thiên Tai,Hưởng Ứng Tuần Lễ Quốc Gia Phòng Chống Thiên Tại 2022
  • Mít tinh hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống Lao 27/3/2021
  • TỰ HÀO NHỮNG CHIẾN SĨ ÁO TRẮNG
1 2 
Thống kê truy cập
  • Đang online: 5
  • Hôm nay: 115
  • Trong tuần: 1 378
  • Tất cả: 81296
LÊN TIẾNG VÌ SỰ AN TOÀN CỦA NGƯỜI BỆNH!

“ LÊN TIẾNG VÌ SỰ AN TOÀN CỦA NGƯỜI BỆNH !”

“ Lên tiếng vì sự an toàn của Người bệnh! không ai bị tổn hại trong việc chăm sóc sức khỏe”  là thông cáo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới WHO ngày 17/9/2019 (ngày an toàn người bệnh thế giới). Khi vào một cơ sở y tế để khám chữa bệnh, cái vốn quí giá nhất của người bệnh là sức khỏe, được ủy thác cho đội ngũ nhân viên y tế, đổi lại người bệnh luôn mong đợi và kỳ vọng được chăm sóc và điều trị một cách an toàn, có chất lượng. Vì vậy, đảm bảo an toàn cho người bệnh là trách nhiệm của các cơ sở y tế, các nhà quản lý và cũng là sứ mệnh của mọi thầy thuốc và mọi nhân viên y tế.

Các vấn đề thiết yếu nhất về an toàn người bệnh cần được triển khai tại các cơ sở cung cấp dịch vụ y tế bao gồm:

 

1. NHẬN DIỆN ĐÚNG NGƯỜI BỆNH

Xác định đúng một người bệnh chỉ mất một phút, nhưng có thể cứu cả một mạng người. Nhận diện sai người bệnh là một vấn nạn,  một trong những nguyên nhân dẫn đến rủi ro, sai sót trong quá trình cung cấp dịch vụ y tế cho người bệnh.

Các lưu ý khi nhận diện người bệnh :

-         Sử dụng ít nhất hai yếu tố nhận dạng để nhận dạng người bệnh như: Họ và tên, tuổi, địa chỉ...

-         Hỏi người bệnh các thông tin để nhận dạng: họ tên, tuổi, địa chỉ, số phòng, giường. Cần lưu ý phải hỏi câu hỏi mở để người bệnh tự nói ra các thông tin, không hỏi các câu hỏi đóng, gợi ý và trả lời đúng/sai.

-         Có thể dùng vòng đeo tay để nhận dạng người bệnh đối với người bệnh hôn mê, nằm phòng chắm sóc đặc biệt. Thông tin trên vòng đeo tay gồm: họ tên, địa chỉ, năm sinh, cùng với bệnh được chẩn đoán.

-         Tên và thông tin về người bệnh trên các nhãn bệnh phẩm phải bảo đảm dán chặt lên lọ hoặc ống đựng bệnh phẩm trước, trong và sau khi làm xét nghiệm.

2. TĂNG CƯỜNG HIỆU QUẢ GIAO TIẾP GIỮA CÁC NHÂN VIÊN Y TẾ

Y lệnh miệng / y lệnh qua điện thoại

Không khuyến khích y lệnh miệng. Tuy nhiên, ở hầu hết cơ sở y tế, xóa bỏ y lệnh miệng là điều không thể nhất là trong cấp cứu cần phải có sự nhanh chóng trong chuyên môn cũng nhưng sự phối hợp giửa các y bác sĩ, điều dưởng, y tá...

Các sai sót rủi ro thường đến từ các y lệnh miệng.

Một số lưu ý giúp giảm nguy cơ sai sót:

-         Phải tuân thủ nguyên tắc “viết xuống - đọc lại” khi bác sĩ cho y lệnh miệng hoặc thông báo kết quả xét nghiệm quan trọng, người nhận thông tin phải viết xuống hồ sơ các thông tin nhận được, sau đó đọc lại cho người cho y lệnh hoặc thông báo kết quả xét nghiệm để kiểm tra lại là chính xác.

-          Lưu ý, người nhận y lệnh về thuốc cần phải đọc lại tên thuốc và liều lượng cho người ra y lệnh thì nên đọc đánh vần như sau “B trong quả bóng”, “P trong phở”; đánh vần từng con số, ví dụ: “0,2g” phải được đọc là “ không - phẩy - hai - gam” để tránh nhầm lẫn. Thận trọng với các loại thuốc đọc nghe giống nhau. Trong vòng 24 giờ, bác sĩ phải ký nhận vào hồ sơ xác nhận mình đã cho y lệnh này.

Sai sót khi sử dụng các từ rút gọn, từ viết tắt

Danh mục từ rút gọn hoặc viết tắt cần có sự tham gia xây dựng và thống nhất của các bác sĩ, điều dưỡng và các nhân viên y tế khác để tránh những hiểu nhầm có thể dẫn đến các sai sót đáng tiếc.

Một số lưu ý khi sử dụng từ viết tắt:

-         Thống nhất danh mục các từ viết tắt được phép sử dụng tại cơ sở cung cấp dịch vụ y tế và các qui định khi viết tắt. Cần hạn chế tối đa việc viết tắt nếu có thể.

-         In danh mục từ viết tắt trên giấy bìa cứng màu sáng và treo ở nơi thuận tiện để nhắc nhở mọi người.

-         Lưu danh mục viết tắt lên mạng nội bộ để dễ tra cứu.

-         Tiến hành một cuộc khảo sát thử để kiểm tra kiến thức nhân viên về danh mục từ viết tắt.

-         Đánh giá sự tuân thủ của nhân viên với danh mục từ viết tắt thông qua kiểm tra hồ sơ bệnh án, bảo đảm tỉ lệ tuân thủ 100%.

3.      BẢO ĐẢM AN TOÀN TRONG DÙNG THUỐC

Cần có qui trình quản lý và hướng dẫn sử dụng để tăng cường và bảo đảm tính an toàn khi sử dụng thuốc có nguy cơ gây hại cao và thuốc “nhìn giống nhau” hoặc “nghe giống nhau”.

Một số lưu ý đảm bảo an toàn trong dung thuốc:

-         Xem xét và xây dựng danh mục thuốc có nguy cơ gây hại cao và thuốc “nhìn giống nhau” hoặc “ nghe giống nhau” tại bệnh viện đồng thời xây dựng qui trình hướng dẫn quản lý và sử dụng các loại thuốc này để tránh tối đa các sai sót trong quá trình sử dụng.

-         Nhân viên của cơ sở y tế phải được thông tin đầy đủ về danh mục thuốc này.

-         Khi trao đổi thông tin về các thuốc nói trên yêu cầu phải viết và đọc lại tên thuốc và nên có sự kiểm tra chéo.

-         Các thuốc “nhìn giống nhau và gọi tên giống nhau” - không nên để gần nhau. Các thuốc nguy cơ gây hại cao nên để ở tủ có khóa. Nên có nhãn mác khác với các nhãn mác thông thường để cánh báo và nhắc nhân viên thận trọng khi sử dụng.

-         Nhân viên phải tuyệt đối tuân thủ qui trình an toàn sử dụng thuốc khi cung cấp các thuốc này cho người bệnh, đảm bảo 3 kiểm tra 5 đối chiếu.

-         Phải kiểm soát việc sử dụng các dung dịch này và phải có biện pháp phòng ngừa thích hợp để tránh việc các dung dịch đậm đặc bị dùng nhầm với những loại thuốc có bao bì giống với bao bì của dung dịch (ví dụ: ống nước cất và dung dịch KCl 5%).

-         Phải có nhãn cảnh báo dễ nhìn, dễ thấy ở nơi để thuốc.

4.      AN TOÀN TRONG PHẪU THUẬT, THỦ THUẬT

Để bảo đảm an toàn trong phẫu thuật phải đảm bảo: đúng người bệnh, đúng vị trí phẫu thuật và đúng loại phẫu thuật dự kiến thực hiện cho người bệnh.

Một số lưu ý khi tiến hành thủ thuật, phẫu thuật:

Bệnh viện xây dựng qui trình nhằm loại bỏ việc phẫu thuật, thủ thuật sai người bệnh, sai vị trí và sai loại phẫu thuật, thủ thuật:

-         Cần đánh dấu vị trí mổ: đánh dấu vị trí phẫu thuật phải làm rõ việc phân biệt bên phải / bên trái, các cấu trúc giải phẫu nhiều thành phần (ngón tay, ngón chân, đốt xương sống…). Qui định đánh dấu phải nhất quán trong mỗi cơ sở y tế. Nếu vị trí phẫu thuật liên quan đến X-quang, kiểm tra xem phim trước khi tiến hành thủ thuật. Kiểm tra xem tên của người bệnh có giống với tên trên phim và có giống với tên trên bìa kẹp hồ sơ hay không.

-         Cần có một bảng kiểm tra trước mổ bảo đảm các dụng cụ và các chuẩn bị cần thiết cho ca mổ đã sẵn sàng: bệnh án và tài liệu liên quan phải sẵn sàng trước.

-         Thực hiện việc giao - nhận người bệnh trước mổ.

-         Trước thời điểm phẫu thuật, thủ thuật cần phải đọc và xác định lại vị trí, phương pháp phẫu thuật và tên người bệnh.

5.      GIẢM NGUY CƠ NHIỄM KHUẨN LIÊN QUAN ĐẾN NHÂN VIÊN Y TẾ

“Nhiễm trùng bệnh viện” Đây là vấn nạn trong y tế gây tốn kém rất nhiều cho việc điều trị và đôi khi là sự nguy hiểm đến tính mạng người bệnh.

Một số lưu ý giúp giảm nguy cơ nhiểm khuẩn cho người bệnh :

-         Toàn bộ nhân viên y tế phải tuân thủ vệ sinh tay, rửa tay đúng lúc và đúng cách.

-         Mọi cơ sở khám bệnh, chữa bệnh phải cung cấp đủ các phương tiện cần thiết để bảo đảm vệ sinh tay và có sẵn dung dịch sát khuẩn để vệ sinh tay trên các bàn khám bệnh, các xe tiêm, xe làm thủ thuật, lối ra vào phòng bệnh.

-         Dán các bảng hướng dẫn cách rửa tay tại các bồn rửa tay.

-         Thực hiện một chương trình về vệ sinh tay và làm cho các hoạt động vệ sinh tay trở thành một ưu tiên của cơ sở y tế.

-         Tuân thủ các phòng ngừa cách ly trong các cơ sở y tế để đảm bảo an toàn cho cả người bệnh và nhân viên y tế: thực hiện các thực hành về phòng ngừa chuẩn, phòng ngừa lây nhiễm theo đường tiếp xúc, theo đường giọt bắn, theo không khí.

-         Tuân thủ các qui định về vô khuẩn khi làm thủ thuật xâm lấn: dụng cụ y tế phải đảm bảo vô khuẩn cho tới khi sử dụng trên người bệnh, tuân thủ các kỹ thuật vô khuẩn trong khi tiến hành các thủ thuật xâm lấn, thực hiện đúng qui trình khử nhiễm, làm sạch, khử khuẩn, tiệt khuẩn dụng cụ y tế.

-         Thực hiện các giám sát nhiễm khuẩn bệnh viện: giám sát người bệnh nhiễm khuẩn, giám sát vi khuẩn kháng thuốc, giám sát sử dụng kháng sinh hợp lý.

6.      GIẢM TÉ NGÃ CHO NGƯỜI BỆNH

Giảm té ngã cho người bệnh là một trong những mục tiêu bảo đảm an toàn cho người bệnh. Người bệnh té ngã có thể bị những tổn thương từ nhẹ đến nặng, thậm chí là tử vong.

Một số lưu ý giảm té ngã cho người bệnh :

-         Đánh giá nguy cơ dẫn đến té ngã của từng người bệnh: liên quan đến tuổi, tình trạng bệnh, thuốc, phương pháp điều trị và có các hành động can thiệp hiệu quả khi nguy cơ được nhận diện.

-         Triển khai chương trình kiểm tra chủ động, đánh giá các khu vực có nguy cơ té ngã trong bệnh viện để can thiệp và triển khai các biện pháp phòng ngừa té ngã chủ động như: lắp đặt chuông báo động tại giường, trong các nhà vệ sinh, lối ra vào, cửa sổ phải có song chắn, những nơi lao dọn phải có biển báo trơn trợt, sử dụng giường thấp và có thanh chắn giường cho những người bệnh có nguy cơ ngã, có lối đi riêng, nhà vệ sinh riêng cho người có hạn chế vận động, người khiếm thị...

-         Cần có qui trình hướng dẫn xử trí cho các tình huống té ngã xảy ra tại cơ sở để bảo đảm người bệnh được kiểm tra, đánh giá tổn thương và xử trí kịp thời, đồng thời triển khai các biện pháp cải tiến để ngăn ngừa các trường hợp tương tự trong tương lai.

An toàn người bệnh là một nhiệm vụ có sự khởi đầu nhưng không có điểm kết thúc, bởi vì nguy cơ của các sự cố y khoa luôn thường trực và có thể xảy ra bất cứ khi nào. Vì vậy cần phải triển khai chương trình quản lý an toàn người bệnh càng sớm càng tốt và luôn duy trì, cải tiến liên tục.

Tài liệu tham khảo:

-         PGS Lương Ngọc Khuê (2014), “Chương trình và tài liệu đào tạo “An toàn người bệnh“ do Bộ y tế phát hành“.




Thời gian làm việc:                                                                  2019 © Bản quyền thuộc Bệnh viện Lao và Bệnh Phổi tỉnh Tây Ninh
Khám bệnh ngoại trú:                                                                      Địa chỉ: Bình Long, Thái Bình, Châu Thành, Tây Ninh
   Sáng: 07 giờ đến 11 giờ                                                            Điện thoại:  (0276) 3826 580 -  Fax: (0276) 3826 580
   Chiều: 13 giờ 30 đến 16 giờ 30                                                                     Email: bvlaobenhphoitn@gmail.com
(Từ thứ 2 đến thứ 6, trừ ngày lễ, tết)                                                              Website:http://bvlbptn.ytetayninh.vn
Tiếp nhận cấp cứu và điều trị nội trú: 24h/24h                                        
(Tất cả các ngày kể cả ngày lễ, tết, thứ 7 và chủ nhật)